Trẻ sơ sinh bị vàng da: Ba mẹ phải làm sao?

Đã xem: 681
Tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da không phải hiếm gặp với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau mà ba mẹ không thể chủ quan. Để nắm được chi tiết hơn về tình trạng này, ba mẹ đừng bỏ qua bài viết dưới đây của BIBIBO nhé! 

1. Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vàng da mẹ nên biết

Trẻ sơ sinh bị vàng da là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt ở trẻ sinh non tháng. Hầu hết các bé sinh non dưới 2 cân đều có triệu chứng vàng da. Ở trẻ đủ tháng, tỷ lệ vàng da chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 25-30%.

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 1

Vàng da trẻ sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển thành mức độ nặng (vàng da bệnh lý). Vàng da sinh lý thường sẽ tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần không để lại bất cứ nguy hiểm nào. Còn vàng da bệnh lý sẽ rất nguy hiểm cần điều trị theo các phương pháp khác nhau tùy theo mức độ. Do đó, mẹ cần chú ý quan sát để phát hiện và điều trị kịp thời tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm.

2. Cách kiểm tra vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện lần lượt từ mặt, kết mạc, thân mình, tới lòng bàn tay và bàn chân, mức độ từ nhạt tới đậm. Sau khi sinh em bé, ba mẹ cần quan sát da trẻ hàng ngày đặc biệt là trong vòng 2 tuần đầu sau sinh. Hãy nhớ quan sát tại nơi có ánh sáng tự nhiên, bởi vì nếu nhìn dưới ánh sáng đèn thì có thể bị nhầm lẫn (màu da có thể vàng hơn bình thường hoặc không phát hiện được).

Ngoài ra, mẹ có thể dùng tay ấn nhẹ lên da (vùng ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ) giữ trong khoảng 5 giây, khi thả tay ra vùng da đó có màu vàng thì khả năng cao trẻ bị vàng da, cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 2

Tại bệnh viện, kiểm tra mức độ vàng da sẽ được phát hiện qua máy đo bilirubin qua da (BILIcheck). Tuy nhiên, kết quả máy đo có thể sai số với kết quả xét nghiệm máu. Do đó, trong trường hợp đo máy bất thường nhiều thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để để định lượng bilirubin và tìm nguyên nhân chính xác. 

3. Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý

Trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý là biểu hiện vàng da ở mức độ nhẹ với các đặc điểm sau đây:

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 3
  • Vàng da nhẹ xuất hiện ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn

  • Không có các triệu chứng bất thường (như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,...)

  • Tình trạng vàng da xuất hiện khoảng 48 -72 giờ sau sinh 

  • Trẻ vẫn phát triển tốt, ăn ngủ bình thường

  • Tự khỏi trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non.

  • Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng,... 

  • Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. 

  • Ngoài ra, nước tiểu của trẻ có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

Nguyên nhân gây vàng da sinh lý là do Bilirubin tăng. Đây là sắc tố có màu vàng cam được hình thành trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Trẻ sơ sinh có số lượng tế bào hồng cầu cao thường xuyên bị phá vỡ và thay mới trong khi gan trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành để đào thải hết Bilirubin ra khỏi má, vì vậy mà gây nên vàng da. Khi trẻ lớn khoảng 2 tuần tuổi, gan sẽ phát triển đầy đủ hơn đủ để xử lý và lọc bỏ hết Bilirubin. Tình trạng vàng da sinh lý sẽ tự khỏi, không gây nguy hiểm cho trẻ. 

Trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý

Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh được xem là bệnh lý gây nguy hiểm khi có các dấu hiệu sau:

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 4
  • Vàng da màu rất đậm, xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh. Tình trạng vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt (ngày đầu tiên sau sinh đã bị vàng da, sang ngày thứ 2, bị vàng da lan tới cẳng tay và cẳng chân và từ ngày thứ 3, vàng da lan đến bàn tay và bàn chân, có thể kèm theo các dấu hiệu thần kinh)

  • Không hết vết vàng da sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh thiếu tháng

  • Kèm các triệu chứng bất thường như: lừ đừ, bỏ bú/ bú kém, sốt, quấy khóc, thở nhanh, co giật,...

  • Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn nhiều so bình thường.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng vàng da bệnh lý như: 

  • Bất đồng nhóm máu mẹ con: Biểu hiện tình trạng vàng da xuất hiện sớm (trong 2 ngày đầu sau sinh)

  • Nhiễm trùng rốn, da, máu, bệnh đa hồng cầu, teo tắc ruột, chậm đi phân su, thiếu men G6PD: Trẻ sẽ bị vàng da xuất hiện từ 3-10 ngày sau sinh

  • Do sữa mẹ, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật), suy giáp bẩm sinh, các bệnh lý chuyển hóa: Vàng da sẽ xuất hiện muộn (khoảng 2 tuần sau sinh)

  • Trẻ bị ngạt, thiếu oxy; trẻ bị sinh non, nhiễm trùng; thân nhiệt hạ xuống thấp

4. Tổng hợp các nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh

Xét theo nguyên nhân, có hai nhóm chính gây ra tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh đó là: Do tăng bilirubin gián tiếp và do tăng bilirubin trực tiếp.

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 5

Trẻ sơ sinh bị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp

Vàng da ở trẻ sơ sinh thường là do tăng bilirubin gián tiếp với biểu hiện da vàng sáng (vàng màu da cam). Các nguyên nhân gây tăng sản xuất bilirubin gián tiếp bao gồm:

  • Do gan trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành, chưa kịp thích nghi với việc chuyển hóa sau sinh (dẫn tới tình trạng vàng da sinh lý) 

  • Vàng da do sữa mẹ: Một số trẻ do gặp khó khăn khi bú hoặc mẹ chưa tiết đủ sữa khiến trẻ mất nước, thiếu năng lượng, tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột gây vàng da. Ngoài ra, có thể do tính chất sữa mẹ, trẻ ngưng bú sẽ giảm triệu chứng vàng da. Tình trạng này mẹ vẫn nên thường xuyên cho trẻ bú không cần phải ngưng bú nếu trẻ vẫn bú tốt, tăng cân và khỏe mạnh

  • Do tự tiêu các ổ xuất huyết (dưới da, niêm mạc, màng não) giải phóng nhiều bilirubin gián tiếp vào huyết tương gây vàng da; thiểu năng tuyến giáp; 

  • Trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, tắc phân su, phình đại tràng bẩm sinh, sử dụng thuốc… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, dẫn tới vàng da.

  • Trẻ mắc hội chứng Gilbert, Crigler Najjar, bệnh lý chuyển hóa di truyền (như galactosemia, suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa tyrosin, methionin, thiếu α1 antitrypsin…)

  • Bệnh lý hồng cầu: Bệnh lý màng hồng cầu, Thalassemia, thiếu men G6PD,

  • Bất đồng nhóm máu mẹ và con: Nhóm máu mẹ và con bất tương hợp nên hệ thống miễn dịch của mẹ có thể phá hủy hồng cầu của con. Thường gặp là bất đồng bất đồng hệ ABO (mẹ nhóm O, còn của bé là nhóm A hoặc B) và Bất đồng hệ Rhesus (mẹ có hồng cầu Rh (-) nhưng bé lại mang hồng cầu Rh (+) 

  • Do nhiễm trùng bào thai

  • Trẻ sinh ra bị vết bầm máu to

  • Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin do trẻ bị thiếu hụt hooc-môn, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ.

Trẻ sơ sinh bị vàng da do tăng bilirubin trực tiếp trong máu

Tình trạng này thường xuất hiện các triệu chứng muộn sau 15 ngày tiếp theo sau thời gian vàng da sinh lý. Trẻ có biểu hiện da màu vàng xỉn màu, không tươi, lẫn màu xanh lá cây, kèm theo dấu hiệu nước tiểu sậm màu và phân bạc màu. Các nguyên nhân gây ra có thể như:

  • Nhiễm trùng bẩm sinh, nhiễm virus như: herpes, ECHO, virus viêm gan, giang mai,...

  • Nguyên nhân trong gan: Thiếu alpha 1 antitrypsin, xơ nang, tắc mật, suy gan, không dung nạp được lactose, bất dung nạp tyrosine

  • Nguyên nhân ngoài gan: Teo đường mật, nang đường mật, hội chứng mật đặc.

5. Trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không? 

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 6

Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý, trẻ sẽ không gặp nguy hiểm và không cần điều trị. Mẹ cần chú ý theo dõi con đến lúc khỏi hẳn.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị vàng da bệnh lý, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau đây:

Bệnh não cấp tính do tăng bilirubin

Bilirubin sắc tố rất độc hại đối với tế bào của bộ não. Do đó, nếu trẻ bị vàng da nặng không được điều trị sẽ khiến Bilirubin chạy vào trong não gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho não. Mẹ có thể nghĩ ngay tới tình trạng Bilirubin não cấp tính khi phát hiện trẻ bị vàng da kết hợp với các dấu hiệu sau đây:

+ Giai đoạn sớm: Trẻ bị vàng da nhiều, ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.

+ Giai đoạn trung gian: Trẻ lừ đừ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ biểu hiện bằng ưỡn cổ và thân; có thể sốt, khóc the thé, hay lơ mơ 

+ Giai đoạn nặng: Hệ thần kinh bị tổn thương và không hồi phục được, với các biểu hiện: ưỡn cổ - ưỡn người, khóc the thé, không bú được, dễ ngưng thở, hôn mê, một số trường hợp co giật và tử vong.

Bệnh não mạn do tăng bilirubin (vàng da nhân)

Tình trạng này diễn ra khi Bilirubin vượt quá giới hạn cho phép làm cho gan không đào thải kịp thấm vào não làm tổn thương não đến mức không thể phục hồi. Trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, bị rối loạn thính lực, mắt nhìn trần, loạn sản răng, dễ dẫn tới thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác. 

Do đó, nếu đã được chẩn đoán xác định vàng da bệnh lý thì phải điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa được các biến chứng nặng của bệnh - Trước 7 ngày sau sinh để nhằm phòng ngừa nguy cơ tổn thương não. Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh làm cho bị bại não suốt đời hoặc tử vong.

6. Trẻ sơ sinh bị vàng da phải làm sao? Các phương pháp điều trị & chăm sóc

Trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý nhẹ, ba mẹ cần:

  • Theo dõi chăm sóc tại nhà

  • Cho trẻ bú thường xuyên để giúp trẻ đào thải bilirubin qua cơ thể

  • Không nên cho trẻ nằm buồng tối liên tục, cần quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời tự mỗi ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế.

  • Tắm nắng buổi sáng: Giúp tình trạng vàng da nhẹ mau hết hơn. Ngay cả khi trẻ không bị vàng da, thì việc tắm nắng buổi sáng cũng nên duy trì đều đặn cho trẻ.

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 7

Đối với tình trạng vàng da bệnh lý nặng do tăng Bilirubin gián tiếp thì cần các phương pháp điều trị khác nhau theo từng mức độ bệnh lý, bao gồm:

  • Chiếu đèn: Đây là phương pháp điều trị vàng da an toàn, đơn giản và không tốn kém. Phương pháp này sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin đào thải ra ngoài qua phân, nước tiểu. Đèn được chiếu trực tiếp lên da của trẻ, trẻ được cởi hết quần áo, chỉ mặc tã và che mắt,  thay đổi tư thế 2h/ lần để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.  

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 8
  • Thay máu: Phương pháp này sẽ được chỉ định khi trẻ bị vàng da nặng, phương pháp chiếu đèn không còn hiệu quả, hoặc có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do bilirubin trong máu tăng cao. 

Đối với tình trạng vàng da sơ sinh bệnh lý do tăng Bilirubin trực tiếp sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau ví dụ chỉ định phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh lý teo đường mật/ giãn đường mật bẩm sinh.

7. Hướng dẫn phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 9

Bất cứ bà mẹ nào cũng đều mong con được sinh ra khỏe mạnh, bình an. Do đó, trong suốt quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc trẻ sau sinh, mẹ cần đặc biệt chú ý:

  • Chăm sóc sức khỏe thật tốt khi mang thai để đảm bảo mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở an toàn

  • Khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để sớm phát hiện những bất thường/ bệnh lý trong thai kỳ nhờ đó giảm thiểu được tình trạng sinh non, sinh nhẹ cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con

  • Xét nghiệm nhóm máu của mẹ trước khi mang thai và của bé sau sinh để xác định những nguy cơ bị vàng da ở trẻ sơ sinh do không tương thích nhóm máu của mẹ, từ đó có biện pháp điều trị nhanh chóng, tránh biến chứng xảy ra.

  • Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh để tăng đề kháng ,đi phân su sớm ngay sau sinh và giữ ấm trẻ tránh hạ thân nhiệt, hạ đường huyết

  • Với trẻ bú mẹ: Cho trẻ bú 8 – 12 cữ mỗi ngày để đảm bảo trẻ không bị mất nước, giúp cơ thể đào thải bilirubin nhanh hơn

  • Trường hợp trẻ không được bú mẹ phải bú sữa công thức: Cho trẻ bú khoảng 30 – 60 ml sữa công thức mỗi 2 – 3 giờ trong tuần đầu tiên.

  • Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ kịp thời phát hiện sớm

8. Giải đáp một số thắc mắc về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Câu hỏi 1: Tại sao phương pháp chiếu đèn giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh? Khi nào có chỉ định chiếu đèn?

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 10

Chiếu đèn là phương pháp phổ biến được chỉ định để điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh.Thời gian chiếu đèn tùy thuộc vào mức độ tăng bilirubin ở trẻ. Dưới tác dụng của ánh sáng đèn, bilirubin sẽ chuyển dạng từ không hòa tan trong nước thành dạng có thể hòa tan trong nước và sẽ được đào thải ra ngoài bằng hình thức phân và nước tiểu. Nếu mức độ bilirubin tăng cao quá mức thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định chiếu đèn 2 mặt để nhanh chóng làm giảm bilirubin, tránh nguy cơ tổn thương não. 

Phần lớn các trường hợp chiếu đèn liên tục sẽ giảm thiểu tình trạng vàng da. Sau khi ngưng chiếu đèn bé có thể vàng da lại, tùy theo tình trạng lúc đó của bé mà bác sĩ sẽ cho chỉ định chiếu đèn tiếp hay không. 

Câu hỏi 2: Chiếu đèn điều trị vàng da có hại không?

Hiện nay, chiếu đèn vẫn là phương pháp khá an toàn được chấp nhận so với nguy cơ tổn thương não nếu không được điều trị. Chiếu đèn có thể có một số tác dụng phụ như: gây mất nước, tiêu chảy, tăng hoặc hạ thân nhiệt, mẩn đỏ, sạm da, tổn thương võng mạc nếu không che mắt, có thể tăng nhẹ nguy cơ co giật và ung thư trẻ em. Tuy nhiên có thể hạn chế tác dụng phụ này bằng cách cho bé bú thường xuyên hoặc bác sĩ chỉ định truyền dịch để bé tránh mất nước, che mắt cho bé khi chiếu đèn thật cẩn thận, lựa chọn đèn có ánh sáng và cường độ phù hợp nhất. 

Câu hỏi 3: Tắm nắng có giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh không?

tre so sinh bi vang da ba me phai lam sao 11

Việc cho trẻ tắm nắng được nhiều bà mẹ thực hiện để giúp trẻ nhanh hết vàng da. Thực tế, ánh nắng mặt trời chỉ có thể cải thiện tình trạng trẻ bị vàng da sinh lý nhẹ, giúp trẻ nhanh hết vàng da hơn. Mẹ có thể cho trẻ tắm nắng ấm mỗi sáng sớm. Còn việc tắm nắng không thể thay thế việc điều trị đối với các trường hợp vàng da nặng bệnh lý. Do đó, nếu phát hiện trẻ vàng da nhiều cần phải cho trẻ sớm đi khám. 

Hy vọng với những chia sẻ về tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da ở trên, ba mẹ có thể nắm bắt kịp thời từ đó có những quyết định điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe của bé. BIBIBO chúc các bé luôn khỏe mạnh, bình yên trong sự chăm sóc của ba mẹ! 

Biên tập viên: bibibo.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây