Lịch tiêm chủng cho bé đầy đủ - mới nhất 2022 & Những điều ba mẹ cần lưu ý! 

Đã xem: 685
Tiêm chủng là điều vô cùng quan trọng mà ba mẹ cần chú ý thực hiện đầy đủ cho con, để bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong suốt cuộc đời như: cúm, sởi, viêm màng não, thủy đậu,... Do đó, ba mẹ cần chú ý lịch tiêm chủng cho bé cụ thể dưới đây dành cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi để kịp thời bảo vệ trẻ nhé! 

 

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 1

1. Vì sao trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ?

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh sức đề kháng còn rất non yếu, dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công. Trong khi đó, môi trường ngày càng phức tạp, thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường dẫn tới sự phát triển của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Đó là những mối nguy hiểm tiềm ẩn có thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Hiện nay, các dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp, đồng thời khả năng điều trị bệnh của nền y học đối với một số dịch bệnh còn nhiều hạn chế, dù được điều trị kịp thời nhưng vẫn có thể tử vong hoặc để lại di chứng. Sự ra đời của vắc xin chính là một bước đột phá trong y tế dự phòng, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Do đó, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe trọn đời.

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 2

Lợi ích của tiêm chủng đó chính là: giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể để tiêu diệt vi rút, vi khuẩn, bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh xâm nhập. 

2. Lịch tiêm chủng cho bé đầy đủ theo độ tuổi ba mẹ cần nhớ

Dưới đây là lịch tiêm chủng đầy đủ, chi tiết, cụ thể nhất cho trẻ theo từng tháng tuổi, bao gồm cả chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ mà ba mẹ cần ghi nhớ hoặc lưu lại để tránh quên. Đảm bảo bé được tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian. 

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 3
lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 4

Lịch tiêm chủng cho bé sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh):

  • Tiêm vắc-xin phòng viêm gan B (mũi 1) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt nếu con bị hoãn chưa tiêm được vắc-xin trong vòng 24 giờ sau sinh.

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh Lao trong vòng 30 ngày đầu sau sinh

Lịch tiêm chủng cho bé dưới 1 tuổi

Tiêm phòng cho bé 1 tháng tuổi:

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) nếu mẹ có mang virus viêm gan B. Nếu mẹ không mang virus viêm gan B thì viêm gan B mũi 2 sẽ tiêm lúc 2 tháng tuổi trong vắc-xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 có thành phần viêm gan B.

Tiêm phòng cho bé 6 tuần đến 2 tháng tuổi:

  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 1)

  • Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 1) lúc trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên.

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) 

  • Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 (Chương trình tiêm chủng dịch vụ)  hoặc dạng 5 trong 1 Chương trình tiêm chủng mở rộng (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B). Tiêm mũi 1.

Tiêm phòng cho bé 3 tháng tuổi:

  • Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus (liều 2)

  • Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 2)

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 3) và phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 2). Có thể sử dụng vắc-xin 6 trong 1 mũi 2 hoặc 5 trong 1 + uống vắc-xin phòng bại liệt liều 2 (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng).

Tiêm phòng cho bé 4 tháng tuổi:

  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus (liều 3 nếu sử dụng vắc-xin Rotateq của Mỹ)

  • Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 3)

  • Vắc xin kết hợp  6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 3 (nếu chích vắc xin kết hợp 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B)

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 4)

  • Vắc xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 3). Có thể sử dụng vắc-xin 6 trong 1 mũi 3 hoặc 5 trong 1 + uống vắc-xin phòng bại liệt liều 3 (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng).

Tiêm phòng cho bé 5 tháng tuổi:

Tiêm 1 liều vắc-xin phòng bại liệt nếu 2-3-4 tháng tuổi sử dụng vắc-xin 5 trong 1 và uống bại liệt của Chương trình tiêm chủng quốc gia tại Phường/ xã.

Tiêm phòng cho bé 6 tháng tuổi:

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm (mũi 1). Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

  • Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 1). tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng).

  • Vắc xin Synflorix phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu (mũi 3).

Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi:

  • Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2)

  • Vắc xin phòng bệnh sởi.

  • Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản ( vắc xin loại mới Imojev): có thể tiêm từ 9 tháng tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 1-2 năm. 

Tiêm phòng cho trẻ 12 tháng tuổi:

  • Vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (MMR mũi 1)

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu (mũi 1), mũi 2 tiêm nhắc lại sau 4 năm.

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: có thể chọn 1 trong 2 loại vắc-xin nếu chưa tiêm Imojev (mũi 1). Nếu tiêm vắc xin loại Jevax thì tiêm 2 mũi, cách nhau 1 – 2 tuần.

  • Vắc xin  phòng bệnh viêm gan A. Liều nhắc lại sau 6-18 tháng.

  • Vắc xin Synflorix phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu (mũi 4)

Lịch tiêm chủng cho bé trên 1 tuổi

Tiêm phòng vắc xin cho trẻ 15 – 24 tháng tuổi:

  • Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi 4 (nếu chích 5 trong 1 thì chích thêm mũi viêm gan B) và phải hoàn thành trước 24 tháng.

  • Vắc xin phòng bênh viêm gan A (mũi nhắc)

  • Vắc xin phòng bệnh cúm (mũi 3 – sau mũi thứ hai 1 năm)

Tiêm phòng cho trẻ đủ 24 tháng tuổi:

  • Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A+C.

  • Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3).

  • Vắc xin phòng bệnh thương hàn. Mũi 2 nhắc lại sau 3 năm.

  • Vắc xin Tả 2 lần uống (dành cho trẻ sống ở vùng nguy cơ cao, lần hai sau lần một 2 tuần)

Từ 3 tuổi trở lên:

  • Vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh sởi, quai bị, rubella (mũi nhắc).

  • Vắc xin phòng bệnh cúm (Tiêm nhắc lại hàng năm).

  • Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A+C (mũi nhắc).

  • Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi nhắc, lúc 5 tuổi). Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến khi 15 tuổi.

  • Nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 6 tuổi, nhắc bạch hầu – ho gà – uốn ván lúc 11- 13 tuổi.

  • Vắc xin Gardasil hoặc vắc xin Cervarix chủng ngừa HPV, ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà ở bộ phận sinh dục (dành cho bé gái 9 tuổi trở lên). Gồm 3 mũi: Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên. Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên. Mũi 3: 6 tháng sau liều đầu tiên.

  • Vắc xin TYPHIM Vi phòng bệnh thương hàn (mũi nhắc, lúc 5 tuổi). Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần.

3. Bảng theo dõi lịch tiêm chủng cho bé

Để thuận tiện cho các bậc phụ huynh, chúng tôi đã tổng hợp các lịch tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ theo bảng. Tùy theo nhu cầu tiêm chủng của từng gia đình mà tìm kiếm lịch tiêm phù hợp:

Lịch tiêm chủng mở rộng

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 5
 

Lịch tiêm chủng đầy đủ 2021 theo yêu cầu (dịch vụ)

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 6
 

4. Một số lưu ý ba mẹ cần biết khi cho trẻ đi tiêm chủng

Dù cho bé theo chương trình tiêm chủng nào (tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ), nếu được tiêm đầy đủ thì sẽ giúp bé tăng đề kháng, phòng ngừa được các căn bệnh nguy hiểm, phát triển toàn diện. Để đảm bảo cho bé có 1 sức khỏe thật tốt trong quá trình tiêm chủng, ba mẹ cần lưu ý một số điều sau đây: 

Các trường hợp chống chỉ định, tạm hoãn tiêm phòng cho bé

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 7

Trường hợp nào không được tiêm phòng cho trẻ? 

Đây là điều mà nhiều phụ huynh thắc mắc, và cần nắm rõ để đảm bảo sức khỏe của bé. Thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng được tiêm phòng. Có nhiều trường hợp chống chỉ định như sau: 

  • Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm liều vắc xin trước đó (có cùng thành phần): sốt cao trên 39° C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở. 

  • Trẻ bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, suy tim,…

  • Đối với trẻ bị suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng, suy giảm miễn dịch nặng,..) không được tiêm vắc xin sống

  • Không tiêm phòng bệnh lao cho trẻ sinh ra từ mẹ bị HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền

  • Các trường hợp chống chỉ định khác (tùy theo từng loại vắc xin cụ thể theo chỉ dẫn của nhà sản xuất)

Để có chỉ định không được tiêm phòng cho trẻ, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả bệnh án khám sàng lọc trước đó đồng thời tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại thông qua đo thân nhiệt, nghe tim, quan sát nhịp thở, đánh giá tri giác,... để có thể phát hiện các bất thường.

Hoãn tiêm chủng cho bé với các trường hợp sau:

Trong trường hợp trẻ chưa đảm bảo sức khỏe, thì sẽ bị hoãn tiêm. Cụ thể các trường hợp như sau: 

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 8
  • Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Sẽ được tiêm chủng khi sức khỏe ổn định.

  • Trẻ có cân nặng dưới 2000g

  • Tạm hoãn tiêm vắc xin BCG đối với trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

  • Trẻ sốt ≥ 37,5°C (cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện) và sốt ≥ 38°C (cơ sở tiêm chủng thuộc bệnh viện) hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).

  • Tạm hoãn tiêm vắc xin sống giảm động lực đối với trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B)

  • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid liều cao; hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày

  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác đối với từng loại vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

  • Theo chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám

Những điều cần biết trước khi đi tiêm chủng?

Để đảm bảo bé có được một sức khỏe thật tốt khi đi tiêm chủng mà không gặp bất cứ sự cố nào, ba mẹ cần phải ghi nhớ:

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 9
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé 

  • Cung cấp cho bác sĩ cụ thể các vấn đề về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của bé: Bé có sinh non không? Có đủ cân nặng không? Có đang bú/ăn/chơi bình thường không? Có đang sốt hay mắc bệnh gì không? Có đang dùng thuốc hay điều trị bệnh gì không? Có tiền sử dị ứng không? Có phản ứng như nào đối với các mũi tiêm trước đó?  Nếu bé không đạt chuẩn về tình trạng sức khỏe sẽ phải hoãn lịch tiêm theo chỉ định của bác sĩ

  • Mang đầy đủ phiếu tiêm hoặc sổ tiêm chủng khi đưa bé đi tiêm để bác sĩ có thể theo dõi được quá trình tiêm chủng của bé tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.

  • Tại cơ sở tiêm chủng, bác sĩ sẽ khám sàng lọc và đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe hiện tại để đưa ra quyết định tiêm hay không, và thông báo lịch cho mũi tiêm tiếp theo 

Những điều cần biết sau khi đi tiêm chủng?

Mỗi một đứa trẻ sẽ có một phản ứng nặng/nhẹ sau khi tiêm khác nhau. Do đó, ba mẹ cần chú ý theo dõi và chăm sóc sau tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng, an tâm hơn về những phản ứng sau tiêm: 

Theo dõi sau tiêm chủng:

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 10
  • Sau khi tiêm cần ở lại theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện thấy bất cứ bất thường nào như: nôn trớ, thở gấp, thở đứt quãng, nổi mẩn đỏ,... cần báo ngay tại cơ sở.

  • Khi về nhà tiếp tục theo dõi sau 24-48h tiếp theo bao gồm: đo thân nhiệt, theo dõi nhịp thở, quan sát da và vùng tiêm, theo dõi hoạt động của bé (ăn, ngủ, chơi) 

Chăm sóc sau tiêm chủng:

lich tiem chung cho be day du moi nhat 2021 nhung dieu ba me can luu y 11
  • Sau khi tiêm nên cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng mát để tránh bí, khó chịu 

  • Cho bé bú/ uống nước nhiều, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ

  • Trong trường hợp trẻ sốt trên 38.C có thể sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như Hapacol với liều lượng thích hợp theo cân nặng của trẻ cùng liều dùng theo chỉ định. Không được tự ý sử dụng các loại thuốc nặng, và lạm dụng sử dụng nhiều.

  • Nếu vết tiêm sưng đỏ có thể chườm lạnh để giảm sưng đau

  • Tránh chạm vào vết tiêm hay tác động mạnh vào vết tiêm của trẻ. Không bôi thuốc, xoa dầu hay bất cứ biện pháp dân gian nào vì có thể gây nhiễm trùng

  • Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường: Sốt cao, quấy khóc, bỏ bú, bỏ chơi, co giật cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám

Trường hợp nhỡ lịch tiêm chủng phải xử lý như thế nào?

Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới nhỡ lịch tiêm chủng cho bé, điển hình như: bé bị ốm sốt trong ngày hẹn, thiếu vắc xin, bố mẹ quên lịch, điều kiện thời tiết, dịch bệnh,... Trường hợp này thì bác sĩ sẽ cân nhắc theo từng loại vắc xin hay thời gian lỡ cụ thể, cùng tình trạng của bé để đưa ra mũi tiêm thích hợp. Phần lớn các bé đều sẽ vẫn được tiêm bù mũi vắc xin bị lỡ.

Nhưng ba mẹ cần chú ý, vắc xin cần tiêm đúng thời điểm, nếu chẳng may nhỡ lịch nên cho con đi tiêm lại càng sớm càng tốt để đảm bảo hiệu quả cũng như bảo vệ con. Trường hợp cơ sở y tế gần nhất không đủ vắc xin cần tiêm thì cần chủ động liên hệ các địa chỉ khác! 

Trên đây là toàn bộ các thông tin cụ thể và lịch tiêm chủng cho bé một cách đầy đủ, cụ thể nhất. Cùng những lưu ý giúp ba mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất trong quá trình cho con đi tiêm chủng. Ba mẹ cần chú ý và cho con đi tiêm thật đầy đủ, kịp thời để đảm bảo cho con có một sức khỏe tốt nhất nhé! 
Website: https://bibibo.com.vn/

Biên tập viên: bibibo.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay109
  • Tháng hiện tại1,944
  • Tổng lượt truy cập263,852
Thời tiết Hà Nội
Liên kết xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây