Phần lớn mọi người đều cho rằng trẻ sơ sinh còn non nớt, chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài nên cần phải giữ ấm cho cơ thể bé để con không bị lạnh. Và cho rằng việc nằm điều hòa là nguyên nhân khiến trẻ bị ho, ốm, nghẹt mũi, viêm phổi,... Do đó có rất nhiều gia đình đã không dám sử dụng điều hòa cho trẻ, ngay cả khi thời tiết mùa hè nóng bức, bé ra nhiều mồ hôi.
Đây là một quan điểm sai lầm. Đối với trẻ sinh khỏe mạnh, đủ cân đủ tháng đều có đủ lớp mỡ để giữ nhiệt cho cơ thể. Bên cạnh đó, thân nhiệt của trẻ thường chưa ổn định, dễ bị nóng, đổ mồ hôi hay hạ nhiệt. Do đó, nếu trong điều kiện thời tiết nóng bức quá sẽ dễ khiến trẻ gặp phải các tình trạng sau:
Nóng bức khiến trẻ quấy khóc, khó ngủ
Trẻ bị rôm sảy, ngứa ngáy
Trẻ đổ mồ hôi nhiều dễ mất nước, đột quỵ hoặc dễ bị cảm lạnh do mồ hôi thấm ngược vào trong
Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng nếu trẻ sơ sinh nằm ngủ trong môi trường nhiệt độ quá nóng thì sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS (hiện tượng trẻ từ 1-12 tháng tuổi tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân).
Do đó, đối với trẻ sơ sinh bạn hoàn toàn có thể cho nằm điều hòa đặc biệt trong những ngày thời tiết oi bức khó chịu. Điều này giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, ngủ ngon hơn, giảm các nguy cơ mất nước, rôm sảy,... Tuy nhiên, mẹ cần chú ý cho trẻ nằm điều hòa đúng cách để không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhé!
Lưu ý, với trẻ sinh non, nhẹ cân thì tốt nhất hãy để trẻ 1-2 tháng phát triển cứng cáp hãy cho nằm điều hòa.
Khi bật điều hòa trong phòng, nhiều bậc cha mẹ thường theo cảm nhận của bản thân để điều chỉnh nhiệt độ phòng theo ý muốn, mà không biết rằng thân nhiệt trẻ em với người lớn hoàn toàn khác nhau.
Với một đứa trẻ sinh đủ tháng và chăm sóc đúng cách sẽ có thân nhiệt bình thường 36.5 – 37.5 độ C. Khi mặc quần áo đầy đủ, bao tay, bao chân, đội mũ và đắp chăn mỏng thì mức nhiệt độ phòng lý tưởng là 26 - 28 độ C.
Ngoài ra, khi trẻ lớn dần, cơ thể sẽ hoàn thiện dần hơn và tỏa ra lượng nhiệt lớn hơn so với trước đó. Vì vậy tùy từng lứa tuổi mà mẹ nên chọn mức nhiệt độ điều hòa sao cho phù hợp. Cụ thể:
Trẻ <2 tháng tuổi: Nhiệt độ 26 – 28 độ C
Trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi: Nhiệt độ 16 – 20 độ C
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên thì nhiệt độ < 24 độ C thì trẻ mới cảm thấy dễ chịu.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng thích hợp nhiệt độ khác nhau, do đó mẹ cần kiểm tra trẻ thấy nóng hay lạnh bằng cách sờ vào phần bụng hoặc ngực của bé. Nếu thấy da của bé nóng hoặc đổ mồ hôi thì hãy cởi bỏ lớp áo, hoặc chứng tỏ nhiệt độ phòng đang cao khiến bé nóng. Mẹ nên nhớ: nhiệt độ >28 độ C sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, nhất là từ 2 – 6 tháng tuổi.
Dưới đây BIBIBO tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm dùng điều hòa tốt nhất cho trẻ sơ sinh, ba mẹ cần nắm bắt được để đảm bảo sức khỏe của bé nhé!
Theo phân tích ở trên, nhiệt độ phòng lý tưởng cho trẻ sơ sinh cảm thấy thoải mái, dễ chịu là từ 26 - 28 độ C. Nếu để nhiệt độ phòng trên 28 độ C sẽ dễ khiến trẻ đồ mồ hôi, nổi rôm sảy mà còn làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Còn nếu thấp hơn 23 độ C, trẻ sẽ dễ bị lạnh và mắc các bệnh về đường hô hấp.Vì thế cha mẹ dù thấy lạnh hay nóng cũng nên để nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ để trẻ ngủ ngon giấc hơn.
Do hệ hô hấp của trẻ còn nhạy cảm, nếu quạt gió của điều hòa chiếu thẳng vào mặt, đầu, ngực của bé thì những bé yếu sẽ dễ bị các bệnh về đường hô hấp, ho, viêm mũi, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Do đó, ba mẹ hãy chú ý lắp điều hòa ở vị trí trên cao, và hướng làm sao để cánh cửa gió không chiếu trực tiếp vào chỗ bé nằm. Khi bật điều hòa cũng chú ý nên để chế độ quạt gió ở mức thấp nhất đủ để lưu thông không khí trong phòng.
Trẻ sơ sinh còn non nớt, nếu để nằm điều hòa cả ngày sẽ dễ bị khô da và đau họng. Do đó cứ khoảng 2-3 tiếng mẹ nên bế bé ra ngoài khoảng 10-15 phút, cũng vừa để đón nắng vào phòng và đuổi không khí tù đọng trong phòng ra ngoài.
Việc trẻ đang ở trong phòng điều hòa bị đưa ra ngoài một cách đột ngột sẽ dễ khiến trẻ bị sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ (đặc biệt những ngày trời nóng bức), làm trẻ dễ bị ốm, sốt,...
Trong trường hợp muốn đưa bé ra ngoài, hãy tắt điều hòa để trẻ trong phòng và tiếp nhận sự tăng nhiệt độ dần dần sao cho bằng với bên ngoài rồi hãy đưa ra ngoài. Hoặc nếu ra ngoài trong thời gian ngắn, hãy mở cửa và bế trẻ đứng ở cửa để cho cơ thể bé thích nghi dần với sự thay đổi nhiệt độ.
Bên cạnh đó, khi bé ở bên ngoài vào phòng có nhiều mồ hôi thì mẹ cũng nên lau mồ hôi và để bé nằm nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường rồi mới bật điều hòa, tránh nhiệt độ thấp đột ngột kết hợp với mồ hôi làm lạnh ngấm vào người trẻ.
Mẹ hãy lưu ý, không nên bế trẻ đi ra đi vào phòng điều hòa và môi trường bên ngoài quá nhiều lần, vì sự thay đổi nhiệt độ liên tục khiến trẻ tăng tiết dịch mũi họng.
Nằm điều hòa rất mát mẻ, dễ chịu tuy nhiên cũng rất dễ gây khô da, khô mũi ảnh hưởng tới hô hấp. Do đó, mẹ cần chú ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé, sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh để giúp da bé mềm mịn. Tuy nhiên không lạm dụng nước muối hàng ngày cho trẻ. Nên đặt chậu nước nhỏ trong phòng hoặc máy phun sương để cân bằng tình trạng không khí bị khô.
Điều hòa sau quá trình sử dụng sẽ tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn, nấm mốc, các mầm bệnh tích gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Để đảm bảo sức khỏe cho bé, bạn nên vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa sạch sẽ, rũ bỏ bụi trong tấm lưới lọc. Định kỳ vệ sinh là 4-6 tháng/lần.
Cho trẻ bú nhiều để tránh bị khô họng. Đối với trẻ lớn có thể cho uống thêm nước
Mặc đồ cho bé khi nằm điều hòa: Đội mũ vải mỏng, đi tất tay và chân, sử dụng một chiếc khăn mỏng nhẹ đắp cho con nhất là che kín được vùng bụng. Với những trẻ hay đạp chăn, mẹ có thể tham khảo các phương pháp quấn chũn để đảm bảo trẻ không bị lạnh.
Thường xuyên kiểm tra và thay tã ướt kịp thời để tránh lạnh bé
Khi thời tiết mát mẻ thì không cần phải sử dụng điều hòa. Các không khí, gió mát tự nhiên vẫn rất tốt cho cơ thể bé
Chú ý dinh dưỡng và tăng cường đề kháng cho trẻ sơ sinh để giúp trẻ ít ốm vặt
Cần thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ. Nếu phát hiện trẻ bị nóng, đổ mồ hôi thì nên bỏ bớt lớp áo hoặc chăn, lau khô người cho bé để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh.
Mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy việc sử dụng điều hòa để tạo một môi trường ấm áp, giữ ấm cơ thể cho bé là điều hoàn toàn thích hợp. Tuy nhiên không chỉ đơn giản là điều chỉnh nhiệt độ phòng cho ấm hơn so với thời tiết bên ngoài mà mẹ cần phải chú ý những điều sau để đảm bảo sức khỏe cho bé:
Sử dụng điều hòa 2 chiều để bật chức năng sưởi ấm cho trẻ vào mùa đông
Bật nhiệt độ ở mức 25-28 độ C là lý tưởng nhất. Với những ngày trời rét đậm rét hại 10-17 độ C độ nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa tăng so với bên ngoài 5-7 độ C để cơ thể bé thoải mái và dễ thích ứng nhất.
Khi bật điều hòa không nên mặc quần áo quá ấm, dày và quá chật cho trẻ
Không nên bật chế độ gió tốc độ cao, mà chỉ chạy tốc độ gió ôn hòa vừa phải
Khi nằm điều hòa, bạn nên cho trẻ sơ sinh mặc quần áo dài tay, chất liệu cotton thoải mái, không nên bó quá. Cho bé đi tất tay, tất chân, đội mũ để bảo vệ cơ thể khỏi lạnh. Và đắp chăn mỏng khi bé đi ngủ về đêm, che đi các bộ phận dễ nhiễm lạnh như: bụng, ngực, vai.
Trong mùa đông, do bật điều hòa ấm nên mẹ cũng cần phải mặc quá nhiều quần áo dày ấm cho trẻ vì sẽ dễ khiến trẻ bị ra mồ hôi gây cảm lạnh.
Dù cho trẻ mặc đồ như nào thì mẹ cũng cần chú ý kiểm tra thân nhiệt của con thường xuyên để đảm bảo con không bị lạnh quá hay nóng quá nhé.
Nhiều mẹ lo lắng khi con sốt mà nằm điều hòa sẽ dễ bị lạnh và bệnh bị nặng hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, trẻ bị ốm sốt vẫn có thể nằm điều hòa. Nhiệt độ phòng mát mẻ sẽ làm cho bé cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Nếu trẻ bị sốt mà không kèm biểu hiện ho, nôn, trớ thì phần lớn là do các nguyên nhân: Mọc răng, tiêm phòng, cảm cúm thông thường,... Lúc này mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ thật tốt để hạ sốt. Còn nếu trẻ bị sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi bất thường thì nên cho bé đi khám kịp thời để được điều trị đúng cách.
Ngoài ra còn một số trường hợp khác như:
Trẻ bị viêm họng: mẹ nhớ quàng thêm khăn mỏng ở cổ trẻ
Trẻ bị ho: cho con uống quất hấp đường phèn, lê hấp đường phèn,.. để cải thiện tình trạng ho của trẻ
Trẻ sơ sinh nằm điều hòa bị nghẹt mũi: mẹ sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho con đồng thời nên bôi dầu tràm vào ngực, lưng của con để giữ ấm
Nói chung khi trẻ bị sốt, ốm, mẹ vẫn có thể cho trẻ nằm điều hòa nhưng phải đúng cách, và áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ để giúp trẻ nhanh khỏe.
Việc sử dụng quạt hay điều hòa cho trẻ sơ sinh là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh thắc mắc. Theo các chuyên gia y tế, mỗi một loại sẽ có những ưu - nhược điểm riêng. Việc sử dụng loại nào để đảm bảo sức khỏe đều phụ thuộc vào việc ba mẹ có biết sử dụng an toàn hay không. Cụ thể:
Sử dụng quạt: Giúp lưu thông không khí tốt, mang tới hơi mát tự nhiên, dễ chịu, không bị khô mũi khô da. Tuy nhiên việc dùng quạt trong những ngày nóng bức sẽ không đảm bảo đủ mát cho trẻ khiến trẻ bị ra nhiều mồ hôi. Đồng thời nếu dùng không đúng để gió thổi trực tiếp vào bé sẽ khiến trẻ bị nghẹt mũi, khó thở. Trong quá trình hoạt động, cánh quạt cũng hút bụi ở xung quanh và thổi về phía trẻ. Do đó, nếu dùng quạt, mẹ cần để quạt ở phía xa, mở nhẹ ở chế độ xoay không chĩa thẳng vào bé. Không nên dùng quạt hơi nước vì sẽ tăng độ ẩm làm nấm mốc, vi khuẩn phát triển.
Sử dụng điều hòa: Cung cấp nhiệt độ ổn định, giúp trẻ dễ chịu, không bị ra mồ hôi đặc biệt trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên sử dụng điều hòa làm giảm độ ẩm và sự lưu thông không khí, dễ khiến khô mũi, khô da. Nếu chỉnh nhiệt độ và sử dụng không đúng sẽ dễ khiến trẻ ốm, mắc bệnh về hô hấp. Do đó, khi sử dụng điều hòa mẹ cần tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn đã được nêu ở trên.
Tùy theo từng điều kiện thời tiết mà ba mẹ có thể linh hoạt trong việc sử dụng điều hòa hay quạt, đảm bảo con có sự thoải mái, dễ chịu nhất nhé!
Hy vọng với những chia sẻ ở trên về vấn đề trẻ sơ sinh nằm điều hòa đã giúp các bậc làm cha làm mẹ có thêm kiến thức và sử dụng điều hòa thật hiệu quả. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của BIBIBO để có thêm nhiều kinh nghiệm hay trong chăm sóc sức khỏe mẹ và bé nhé!
Biên tập viên: bibibo.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan