Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của thai phụ cao hơn mức bình thường, xuất hiện ở khoảng 2-5% phụ nữ mang thai và thường chấm dứt sau sinh, chỉ có ít trường hợp tiếp tục bị tiểu đường mãn tính. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do khi mang thai, cơ thể kích thích tạo ra các hooc môn giúp thai nhi phát triển, nhưng điều này khiến cơ thể mẹ ngăn chặn insulin. Do đó, cơ thể mẹ bầu không thể tạo đủ insulin giúp ổn định lượng đường trong máu gây dư thừa.
Tình trạng tiểu đường thai kỳ thường không có dấu hiệu bất thường, dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng ốm nghén của thai phụ do đó thường bị bỏ qua, rất khó phát hiện. Chỉ có thể biết được chắc chắn qua hình thức xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Nếu không thực hiện xét nghiệm để kiểm soát hoặc kiểm soát muộn sẽ dẫn tới nhiều biến chứng, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Có thể kể đến như sau:
Đối với thai phụ:
Bị tăng cân quá mức trong thai kỳ, khó lấy lại vóc dáng sau sinh
Bị đa ối khiến tử cung to nhanh, gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp ở mẹ
Tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật
Gây ra tình trạng chuyển dạ kéo dài, sinh khó, nguy cơ băng huyết sau sinh gây nguy hiểm cho mẹ
Gây tỷ lệ mổ cao hơn, rối loạn đường trong máu dễ dẫn đến hôn mê sâu
Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
Đối với thai nhi:
Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng.
Bé dễ bị thừa cân, béo phì khi trưởng thành
Nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đa hồng cầu, dị tật tim
Dễ bị vàng da sau sinh, hạ đường huyết, hạ canxi
Tăng tỷ lệ dị tật thai nhi
Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu
Tỉ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2 – 5 lần so với bình thường
Việc thực hiện xét nghiệm tiểu đường sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm, tránh các di chứng có thể xảy ra trong quá trình mang thai và chuyển dạ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Thực tế, nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi mang thai lại bị mắc tiểu đường thai kỳ do sự thay đổi của cơ thể. Do đó, bất cứ ai cũng khi mang bầu cũng cần phải thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để kiểm soát tiểu đường thai kỳ. Đặc biệt là cực kỳ cần thiết với những trường hợp sau:
Trong gia đình có tiền sử người bị tiểu đường
Người thừa cân, béo phì (BMI >25)
Tuổi mẹ khi mang thai trên 40 tuổi
Tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước
Tiền sử mang thai trước đó: Đã bị tiểu đường thai kỳ, sinh con to hơn 4kg, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sinh con dị tật không rõ nguyên nhân
Có ≥ 3 lần sảy thai liên tiếp
Bị rối loạn phóng noãn ví dụ bị buồng trứng đa năng
Thai phụ đang sử dụng thuốc như corticosteroids, thuốc kháng virus, nhiễm HIV…
Việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tình trạng tiểu đường cho phụ nữ mang thai. Theo các bác sĩ sản khoa, thai phụ cần nên làm xét nghiệm tiểu đường vào giai đoạn tuần thai 24 - 28 là thời điểm lý tưởng. Đây là lúc bánh nhau phát triển hoàn thiện, tăng sản xuất các nội tiết tố kích thích glucagon, kháng insulin gây nên hiện tượng tăng đường huyết nên rất dễ phát hiện ra tình trạng tiểu đường.
Tuy nhiên, trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ căn cứ vào thực tế (thai phụ có nguy cơ hay không có yếu tố nguy cơ mắc) để đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp nhất. Cụ thể:
Ngay từ lần khám thai đầu tiên: Các mẹ bầu sẽ được bác sĩ sản khoa đánh giá nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ để có chỉ định xét nghiệm phù hợp nhất
Đối với thai phụ không có yếu tố nguy cơ: Thử đường huyết lúc đói. Nếu kết quả bất thường (từ trên 92 mg/dL) phải tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
Thai phụ có yếu tố nguy cơ: Thực hiện tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường trong lần khám thai đầu tiên hoặc trong giai đoạn 3 tháng đầu (tốt nhất là dưới 13 tuần). Dù kết quả bình thường cũng nên lặp lại nghiệm pháp này lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
Có 2 phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đó là:
Xét nghiệm được thực hiện vào buổi sáng. Trước khi làm xét nghiệm, thai phụ cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ, nhưng không quá 12 giờ. Thực hiện như sau:
Lần 1: Thai phụ được lấy máu để kiểm tra đường huyết khi đói
Lần 2: Thai phụ sẽ được uống nước có pha glucose trong vòng 3-5 phút (75g glucose pha trong 200-300ml nước). Ngoài ra, thai phụ không được ăn uống hay vận động mạnh gì trong lúc này. Sau đó 1 tiếng, thai phụ sẽ được chỉ định lấy máu lần 2 để đo đường huyết vào các thời điểm sau uống glucose 1 giờ
Lần 3: Giờ sau khi uống nước pha đường glucose lấy máu lần 3 để đo đường huyết vào các thời điểm sau uống glucose 2 giờ.
Sau kết quả 3 lần xét nghiệm, bác sĩ kết luận tình trạng sức khỏe của mẹ bầu. Thai phụ tiểu đường thai kỳ nếu kết quả như sau:
Khi đói: >= 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
Sau khi dung nạp đường glucose 1 tiếng:>= 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
Sau khi dung nạp đường glucose 2 tiếng: >= 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g (trước đó không nhịn đói). Tiến hành đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ.
Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) sẽ được chỉ định tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
Tuy nhiên kết quả thử glucose chưa thể kết luận được thai phụ có chắc chắn mắc tiểu đường hay không, chính xác đối với khoảng 30% thai phụ. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm dung nạp glucose để có kết quả chắc chắn.
Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g (thực hiện khi đói). Pha trong 250-300 ml nước, tiiến hành đo glucose lúc đói và tại thời điểm sau uống 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ.
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ khi có kết quả như sau:
Đường huyết lúc đói: 95mg/dl (5,3mmol/l)
Sau 1 giờ: > 180mg/dl (10,0mmol/l)
Sau 2 giờ: > 155mg/dl (8,6mmol/l)
Sau 3 giờ: > 140mg/dl (7,8mmol/l)
Thai phụ sau khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có kết quả bình thường khi có kết quả đường huyết như sau:
Khi đói: < 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
Sau khi dung nạp đường glucose 1 tiếng: <180 mg/dL (10,0 mmol/L)
Sau khi dung nạp đường glucose 2 tiếng: < 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Nếu ít nhất một mẫu máu bằng hoặc cao hơn giới hạn trên thì sản phụ đã mắc tiểu đường thai kỳ. Trong trường hợp đường máu lúc đói cao hơn 126mg/dL (7mmol/L) hoặc đường máu bất kì cao hơn 200mg/dL (11,1 mmol/L) thì được chẩn đoán là đái tháo đường mang thai. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị hợp lý để không làm ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm cơ bản mà mẹ bầu có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở y tế nào. Tuy nhiên cần lựa chọn những địa chỉ uy tín để có được kết quả chính xác nhất, có thể kể đến như hệ thống bệnh viện công (đa khoa, bệnh viện sản), bệnh viện quốc tế hay các trung tâm xét nghiệm có tiếng trên thị trường.
Tùy theo từng cơ sở y tế và dịch vụ mà bạn làm xét nghiệm sẽ có mức chi phí khác nhau. Có thể dao động từ 80.000 VNĐ - 300.000 VNĐ:
Xét nghiệm định lượng Glucose lúc đói 50.000 – 80.000 vnd
Nghiệm pháp đường huyết (xét nghiệm dung nạp Glucose) vào tuần thai 24-28: 200.000 vnđ – 300.000 vnđ
Mức giá hoàn toàn hợp lý mà mẹ bầu nào cũng có thể thực hiện được. Do đó, đừng đắn đo, hãy làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé nhé!
Việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hoàn toàn an toàn, không gây hại cho mẹ và thai nhi
Xét nghiệm được thực hiện vào buổi sáng
Tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm mà mẹ bầu mới cần nhịn ăn trước đó: Nếu xét nghiệm thử glucose thì mẹ bầu không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Còn xét nghiệm dung nạp glucose và xét nghiệm đường máu lúc đói thì mẹ bầu cần nhịn ăn uống ít nhất 8 tiếng. Vì nếu thai phụ ăn trước khi xét nghiệm, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành glucose khiến lượng đường trong máu cao, khiến kết quả tiểu đường không chính xác. Hướng dẫn cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định ở lần khám thai trước đó, nên mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm thực hiện.
Thai phụ cần duy trì chế độ ăn uống bình thường trong vòng 3 ngày trước đó
Trước khi đi xét nghiệm, cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như cafe, chè, thuốc lá,...
Việc uống dung dịch đường glucose khiến nhiều thai phụ có cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên điều này là bắt buộc dù khó uống để có thể đưa ra kết quả chính xác. Do đó thai phụ cần chuẩn bị tâm lý và cố gắng chịu đựng.
Khi đi xét nghiệm, mẹ bầu có thể mang theo ít bánh ngọt để ăn ngay sau khi lấy mẫu máu cuối cùng, tránh đói tụt huyết áp.
Duy trì chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ bình thường. Không thay đổi đột ngột chế độ sinh hoạt.
Nên có người thân đi cùng bởi khi nhịn đói quá lâu cùng với việc lấy máu dễ khiến bạn bị choáng cần người đỡ.
Tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ sau xét nghiệm từ vận động tới ăn uống
Khi bị chuẩn đoán tiểu đường trong thai kỳ, các mẹ cũng đừng quá hốt hoảng và lo lắng. Các mẹ bầu hoàn toàn có thể tự kiểm soát bệnh hiệu quả bằng điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, kết hợp theo sát với các chỉ định của bác sĩ.
Việc thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là vô cùng quan trọng mà bất cứ mẹ bầu nào cũng không nên bỏ qua. Chúc các mẹ có một thai kỳ thật khỏe mạnh, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón bé yêu ra đời nhé!
Biên tập viên: bibibo.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan